Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Bắt đầu từ những năm 1990 tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học và sản xuất lâm nghiệp vùng Tây Bắc, đến nay nghề nuôi nhím đã lan rộng ra khắp cả nước, trở thành mô hình làm kinh tế hiệu quả của rất nhiều hộ gia đình.
Gia đình anh Nguyễn Ngọc Hùng và chị Lê Thị Thoa trú tại xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá cũng là một điển hình về nuôi nhím đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2008 đến nay, anh Hùng nuôi được trên 30 cặp nhím sinh sản. Mỗi năm, đàn nhím này đẻ thêm khoảng 60 nhím con. Khoảng 23-24 triệu đồng/cặp nhím giống đã mang lại nguồn thu nhập bình quân hàng năm ngót nghét một tỷ đồng cho gia đình anh.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ nhím trên thị trường ngày càng cao do thịt nhím rất bổ dưỡng, nhiều bộ phận như dạ dày, mật, lông... là các loại thuốc chữa bệnh rất hiệu quả nên từ năm 2004, gia đình anh Nguyễn Quốc Bình ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng, mua 10 con nhím bố mẹ về nuôi. Đến nay, trang trại nuôi nhím của anh đã phát triển được 60 con nhím bố mẹ, cung cấp cho thị trường trên 200 con nhím giống/năm, tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng, lợi nhuận thu được chiểm trên 80%. Hơn thế, thông qua sự chia sẻ của anh, đến nay trên địa bàn xã Hải Bối và huyện Đông Anh có thêm 40 hộ nuôi nhím sinh sản, nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác.
Ông Nguyễn Quốc Khánh ở thôn Vinh Đức, xã Đức Minh, tỉnh Đăk Nông hiện là chủ của một trang trại nuôi nhím và đang giàu lên nhờ cung cấp nhím giống cho thị trường.  Lúc đầu, ông chỉ nuôi thử nghiệm 10 con giống. Kết quả cho thấy, đàn nhím của ông phát triển tốt, tăng trưởng nhanh về trọng lượng cũng như số lượng. Hiện nay, ông đã đầu tư xây dựng mở rộng chuồng trên diện tích 700m2 với tổng đàn 400 con, tính sơ sơ tổng giá trị tài sản trên 6 tỷ đồng. 
Có thể nói, hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi nhím đã bước đầu được khẳng định song đây là giống nuôi có những đặc tính sinh học riêng biệt, nếu người nuôi không nắm bắt và xử lý kịp thời sẽ dễ thất bại. Chính vì thế, để làm giàu, phát triển bền vững thì người nuôi phải dám đầu tư, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tránh làm theo phong trào khi chưa đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm.

Tagged:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét